Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trong bối cảnh có nhiều trẻ nhỏ bị thú cưng tấn công gây thương tích, có nguy cơ nhiễm dại.
Như hôm 30/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội phát hiện ổ dịch chó dại tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Chó ba tháng tuổi, chưa tiêm phòng và mang virus dại, cắn một em bé ba tuổi. Gia đình đã cho bé tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, hiện sức khỏe ổn định.
Còn bé trai 7 tuổi, Phú Yên, bị chó nhà tấn công vào đầu, phải cấp cứu hồi tháng 8. Theo gia đình, bé trai chơi đùa trong lúc chú chó đang ăn do đó bị chó tấn công. Cũng trong tháng 8, Sơn La ghi nhận bé trai 8 tuổi, tử vong do bệnh dại sau khi bị chó cào vào mặt.
Theo bác sĩ Ngọc, trẻ dễ bị chó cắn vì nhiều nguyên nhân, như: tầm vóc thấp bé nên rất khó chống đỡ khi bị tấn công; chó có hình thể lớn, cao ngang đầu, mặt hoặc tai, cổ của em bé, do đó dễ tấn công vào những vị trí này. Trẻ nhỏ chưa biết cách tương tác đúng với thú nuôi, vô tình xâm phạm không gian riêng của con vật, hoặc giẫm lên, giật lông, tai, đuôi... cũng khiến con vật tức giận, tấn công.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo gia đình giám sát trẻ chặt chẽ khi chơi đùa cùng động vật. Nếu trẻ bị động vật cắn, cần thực hiện các bước sơ cứu đúng gồm: rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng thời gian 10-15 phút, sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn iốt.
Đồng thời, gia đình đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất để tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt. Phác đồ tiêm sau khi bị cắn, cào, gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-21, có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh và huyết thanh, vaccine uốn ván.
Tiêm phòng dại khi bị chó mèo cắn để bảo vệ sức khỏe trẻ. Ảnh: Mộc Thảo
Ngoài ra, phụ huynh có con thường chơi đùa với thú cưng, nguy cơ cao mắc bệnh dại, có thể chủ động cho tiêm dự phòng vaccine trước khi bị cắn, cào. Phác đồ gồm ba mũi vào các ngày 0-3-21. Khi bị chó cắn, lịch tiêm chỉ cần hai mũi vào ngày 0-3 và không cần tiêm huyết thanh.
Bệnh dại do virus gây ra. Mầm bệnh lây từ động vật sang người qua chất tiết như nước bọt của chó, mèo. Hiếm gặp hơn, mầm bệnh có thể lây lan khi hít phải khí dung chứa virus hoặc cấy ghép cơ quan bị nhiễm. Khi phát bệnh, động vật và người có tỷ lệ tử vong gần 100%.
Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo hệ thống thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển từ 12-24 mm. Khi virus xâm nhập bộ não, người bệnh có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng như: bồn chồn, lo lắng, sợ nước, sợ gió, bị ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy mọi thứ), lú lẫn, hành vi hung hăng, co thắt cơ bắp, sùi bọt ở miệng, tê liệt, ngưng tim ngưng thở, tử vong.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dao động từ dưới một tuần đến hơn một năm, tùy thuộc vào lượng virus xâm nhập, mức độ nghiêm trọng của vết thương và khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương. Những vết thương gần hệ thần kinh trung ương như ở mặt, cổ, đầu, ngón tay sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Xuân Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.