Đa polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư?

19/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Gan Mật Tụy Sức Khỏe Tiêu Hóa
Đa polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư?

Trả lời:

Đa polyp túi mật là tình trạng lòng túi mật xuất hiện nhiều sang thương ở niêm mạc túi mật nhô vào trong lòng. Phần lớn các polyp xuất hiện không có triệu chứng, thường phát hiện tình cờ khi siêu âm, khám sức khỏe định kỳ. Một số trường hợp biểu hiện dấu hiệu nhưng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau tức nhẹ khi ấn vào vùng hạ sườn phải và sau khi ăn.

Dựa vào số lượng, hình thái, sự tăng trưởng kích thước qua theo dõi định kỳ, có kèm sỏi túi mật hoặc dày thành túi mật, bác sĩ sẽ chẩn đoán polyp là lành hay ác tính. Bệnh đa polyp túi mật đa số là lành tính, có khoảng 5% có khả năng tiến triển thành ung thư.

Thông thường, polyp túi mật có kích thước dưới 1 cm, không thay đổi sau nhiều năm là dạng lành tính. Người bệnh chỉ cần tái khám và theo dõi định kỳ.

Bác sĩ Công Khánh tư vấn cho một bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ dự đoán nguy cơ đa polyp túi mật có thể tiến triển ung thư dựa trên những dấu hiệu gồm polyp túi mật lớn từ 1 cm trở lên, có xu hướng phát triển nhanh về số lượng và kích thước trong thời gian ngắn. Người bệnh trên 60 tuổi hoặc có triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, sốt cao, ớn lạnh... diễn ra thường xuyên. Xuất hiện đồng thời polyp túi mật và sỏi túi mật, có tình trạng dày thành túi mật khu trú ở chân polyp...

Thông thường, khi có dấu hiệu nghi ngờ ác tính, bác sĩ chỉ định người bệnh làm thêm những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI để đánh giá nguy cơ đa polyp túi mật tiến triển thành ung thư, phân biệt polyp lành tính với ung thư túi mật. Siêu âm qua nội soi kết hợp với đánh giá độ đàn hồi mô cũng là phương pháp chẩn đoán mới giúp phân biệt polyp lành tính với polyp có nguy cơ ung thư. Nếu kết quả chẩn đoán đa polyp túi mật có khả năng tiến triển ác tính hay có biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ túi mật.

Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật đa polyp là lựa chọn điều trị được đánh giá tối ưu hơn so với phẫu thuật mổ mở. Bởi phẫu thuật nội soi đường mổ nhỏ hơn, đảm bảo thẩm mỹ, ít gây đau, phục hồi nhanh hơn và ít biến chứng. Sau mổ 1-2 ngày, khi sức khỏe ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện.

Sau khi phẫu thuật cắt túi mật, dịch mật khi đó sẽ di chuyển trực tiếp xuống tá tràng nên quá trình tiêu hóa thức ăn có nhiều chất béo bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh có thể bị tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu khi ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ... Tình trạng này có thể hết sau vài tuần. Sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật, người bệnh nên ưu tiên thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, hạn chế các món nhiều dầu mỡ trong những ngày đầu và chuyển dần sang thức ăn đặc, ăn uống đa dạng hơn. Nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể dễ hấp thu hơn.

Bệnh polyp đa túi mật đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân và thường không có biểu hiện triệu chứng. Bạn được chẩn đoán đa polyp nên tuân thủ lịch tái khám định kỳ theo tư vấn của bác sĩ, áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế thức ăn nhiều chất béo. Thường xuyên vận động giúp khí huyết được lưu thông, duy trì cân nặng hợp lý.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công KhánhTrung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật